Một số nội dung cơ bản Luật_Bình_đẳng_giới_(Việt_Nam)

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của Luật bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.[1]

Về đối tượng áp dụng, Điều 2 của Luật bình đẳng giới quy định đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.[1]

Các nguyên tắc cơ bản

Điều 4 của Luật bình đẳng giới quy định mục tiêu bình đẳng giới là: Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Điều 6 của Luật bình đẳng giới quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, bao gồm: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới, chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.[1]

Chính sách của Nhà nước

Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, trong các quy định tại Điều 7, ngoài quy định thống nhất với pháp luật hiện hành như: «bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình», đã quy định nhiều điểm mới như:

  • Hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển
  • Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ
  • Tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình
  • Áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới
  • Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới
  • Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
  • Hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.[1]

Các hành vi bị cấm

Các hành vi bị nghiêm cấm, Điều 10 của Luật bình đẳng giới quy định chung có bốn loại hành vi:[1]

  • Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới
  • Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức
  • Bạo lực trên cơ sở giới
  • Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.